Các ông lớn ngành điện lạnh đang quyết đấu tại thị trường Việt Nam, nơi tiêu thụ lớn thứ hai Đông Nam Á do tăng trưởng kinh tế giúp phát triển tầng lớp trung lưu.
Năm 2011, Việt Nam xếp thứ 8 châu Á (không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc) về thị trường điện lạnh với 660.000 điều hòa được bán ra. Năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan khi tiêu thụ 1,98 triệu chiếc, giúp nâng hạng lên vị trí thứ ba chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.
Dựa vào tầng lớp trung lưu
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp máy lạnh Nhật Bản, thị trường toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,5% từ năm 2011 đến 2016 trong khi đó tỷ lệ này ở châu Á là 34,3%. Riêng Việt Nam, doanh số bán hàng điện lạnh tăng gấp 3 lần lên 150 tỷ yen (tương đương 1,35 tỷ USD).
Nikkei phân tích, việc người Việt Nam ngày càng giàu có đã thúc đẩy mở rộng thị trường điều hòa nhanh chóng. Nền kinh tế của Việt Nam được coi là tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với tốc độ khoảng 7%/năm. Các mặt hàng điện lạnh được tiêu thụ nhiều tại một thị trường đang phát triển chính là tủ lạnh, máy giặt, cùng với nhu cầu điều hòa cũng tăng mạnh khi tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người đạt 3.000 USD.
Hãng tin Nhật bản dẫn báo cáo cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.300 USD năm 2017, riêng TP.HCM lên tới 4.000 USD và Hà Nội đạt mức 3.000 USD. Nhu cầu của những người sử dụng điện lạnh lần đầu đang bùng nổ tại thị trường 2 thành phố lớn này và một số địa điểm khác.
Các công ty như Daikin Industries đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản này đã đầu tư 10 tỷ yen xây dựng một nhà máy ở ngoại thành Hà Nội với sản lượng 1 triệu chiếc/năm. Nhà máy này sẽ sử dụng dây chuyền sản xuất đã thành công tại Ấn Độ, giúp giảm hàng tồn kho và rút ngắn thời gian.
Doanh nghiệp này cũng cho vận hàng một nhà máy tại Thái Lan với sản lượng 2,5 triệu chiếc/năm và một cơ sở tại Malaysia có thể sản xuất 1 triệu sản phẩm.
Năm 2020 đã xây dựng một trung tâm đào tạo điện lạnh tại nhà máy ngoại thành Hà Nội với khoảng 10.000 kỹ thuật viên địa phương để sản xuất, lắp đặt và bảo trì. Một số kỹ thuật viên có thể được đào tạo tại Nhật Bản trong tương lai.Công ty chấp nhận những học viên địa phương, đồng thời cũng đang tạo quan hệ đối tác với các trường cao đẳng kỹ thuật trên địa bàn nhằm tìm kiếm tài năng.
“Nhu cầu điều hòa sẽ mạnh mẽ trong dài hạn với sự tăng lên của các hộ gia đình trung lưu” – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daikin – Masanori Togawa, cho biết. “Chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới bán hàng ở các địa phương cũng như tăng nguồn cung trước các đối thủ cạnh tranh”.
Cuộc đua của các ông lớn
Các công ty châu Á khác đang chạy theo Daikin như LG Electronics của Hàn Quốc đã đầu tư 1,5 tỷ USD để nâng cao sản lượng vào năm 2028 tại một nhà máy ở Hải Phòng. Panasonic của Nhật Bản đang tăng sản lượng tại nhà máy Malaysia để mở rộng nguồn cung cho Việt Nam.
Theo đó, Daikin và Panasonic kiểm soát khoảng 25% thị trường điều hòa của Việt Nam, tiếp theo là LG, Samsung Electronics của Hàn Quốc và Electrolux của Thụy Điển. Sự phổ biến của các thương hiệu Nhật Bản đang gia tăng ở Việt Nam khi người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao năng lượng và hiệu suất với giá thành thấp.

Daikin tiếp tục tăng trưởng doanh số hàng điện lạnh trên 30% tại Việt Nam, chủ yếu nhờ dòng máy điều hòa hiệu quả với công nghệ biến tần, điều khiển tốc độ của động cơ máy nén để liên tục điều chỉnh nhiệt độ. Mặc dù giá của nó là 12,7 triệu đồng (558 USD) – cao hơn 30% so với đối thủ LG và 80% so với sản phẩm Trung Quốc – quản lý một cửa hàng điện tử ở Hà Nội cho biết Daikin vẫn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.
Với dân số 93 triệu người, cao nhất Đông Nam Á, thị trường điều hòa ở Việt Nam được xem hứa hẹn hơn Malaysia và Thái Lan. Chỉ có khoảng 17% hộ gia đình Việt Nam sở hữu một máy điều hòa không khí trong năm 2019, theo công ty nghiên cứu Euromonitor International của Anh, thị trường điện lạnh được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo.